
Dạy trẻ kỹ năng thuyết trình (nói trước đám đông)
PHẦN 1: TẠI SAO CẦN DẠY TRẺ NÓI TRƯỚC ĐÁM ĐÔNG?
Bạn từng rất hâm mộ những diễn giả có thể đứng nói trước hàng trăm người trong sân khấu Tedtalk, hay chỉ đơn giản là một người có thể đứng lên trình bày rành rọt ý kiến của mình để thuyết phục ai đó trong hoạt động teamwork?
Không thể phủ nhận rằng kỹ năng thuyết trình là một trong những kỹ năng mềm khó nhất nhưng cũng quan trọng nhất với mỗi người. Tuy nhiên, đối với bất kỳ trẻ nào (hướng ngoại hay hướng nội) nếu hướng dẫn trẻ đúng cách, và có sự luyện tập, hay kiên trì rèn luyện từ nhỏ thì hoàn toàn có thể chinh phục kỹ năng này.
LỢI ÍCH CỦA VIỆC RÈN LUYỆN KỸ NĂNG THUYẾT TRÌNH CHO TRẺ
- Tự tin giao tiếp trước đám đông
- Kiểm soát được hành vi của bản thân khi giao tiếp
- Biết sử dụng ngôn ngữ không lời, ngôn ngữ cơ thể khi nói chuyện
- Biết cách thiết kế bố cục bài nói của mình theo 3 phần mở bài, thân bài và kết luận
- Biết cách hồi đáp và trả lời những câu hỏi
- Biết cách thể hiện bản thân trước thầy cô, bạn bè và người thân
- Nâng cao tinh thần đồng đội thông qua những hoạt động giao tiếp tương tác nhóm.
- Thay đổi tư duy một cách hiệu quả và có hệ thống.
BỐ MẸ CÓ THỂ LÀM ĐỂ GIÚP CON PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ - NỀN TẢNG NÂNG CAO KHẢ NĂNG THUYẾT TRÌNH?
Phát triển ngôn ngữ thông qua các trò chơi ngôn ngữ:
- Chơi đồ hàng: Khi cùng bé chơi trò này, mẹ có thể kích thích khả năng ngôn ngữ của trẻ bằng cách đặt cho trẻ một số câu hỏi như “Con muốn mua gì?”, “Con có bao nhiêu tiền?”, “Con mua cái này để làm gì?”,… để khuyến khích trẻ tập nói nhiều hơn. Mẹ cũng có thể cho trẻ chơi cùng các bạn khác trong lớp mầm non hoặc ở cùng khu phố để trẻ dạn dĩ và cởi mở với bạn bè hơn.
- Cái bao bí ẩn: Cho vào bao/túi những đồ vật hình oval và hình tròn (trứng, quả bóng nhỏ, bóng lục lạc, “hộp vàng”…). Sau đó, đề nghị bé tìm vật: “Bàn tay con có đôi mặt thần kì đó. Con hãy nhìn và chú ý lấy cho mẹ quả bóng xem nào!” (hoặc vật khác). Bạn hãy hỏi bé về đồ vật bé lấy ra khỏi bao: “Đây là cái gì?”, “Có thể chơi bóng như thế nào nhỉ?”. Giai đoạn sau, hãy giúp bé phát triển khả năng mô tả bằng cách thò tay sờ một vật trong bao, mô tả hình dạng, kích thước, độ trơn nhẵn ... của nó để bố mẹ/bạn chơi đoán xem bé sắp lấy ra cái gì.
- Rối tay: Đầu tiên mẹ sử dụng nhân vật rối là các nhân vật quen thuộc trong các câu chuyện đã biết, cho trẻ mô phỏng hành động và nói câu thoại đơn giản của nhân vật đó. Sau đó, nâng cao yêu cầu trẻ sử dụng rối để tái tạo lại nội dung câu chuyện. Rồi để trẻ tự chọn con rối và tự nghĩ ra câu chuyện kể sáng tạo theo ý trẻ.
Đọc sách và học thuộc các đoạn thơ văn ngắn: Những bộ thơ Thuỵ Anh, thơ cho bé tập nói… hay những bộ ehon đúng theo lứa tuổi là nguồn ngôn ngữ dồi dào cho trẻ. Ba mẹ hãy cùng bé đọc thuộc những đoạn thơ đẹp đẽ ấy hàng ngày như khi đi học về, khi 2 mẹ con đi tắm, hay trước khi đi ngủ…
Tích cực hỏi đáp và dạy con thói quen quan sát: Quan sát không chỉ tốt trong việc phát triển ngôn ngữ mà còn phát triển tư duy theo quá trình: Nêu nhiệm vụ (mục đích quan sát), hướng dẫn quan sát, đặt câu hỏi, kể lại thật hấp dẫn những điều quan sát được.
File quan sát của chị Phan Hồ Điệp gợi ý: https://drive.google.com/…/1lLgRhrmItj_oynvrnIHUd3KMS…/view…
Nên có sự diễn giải với những hoạt động thường ngày. Đừng nghĩ rằng trẻ con không hiểu nên thường trả lời qua loa. Nên nói chuyện với bé đủ câu, tránh trả lời các từ đơn hoặc nhại giọng trẻ con để trả lời trẻ. Các câu trả lời nên ngắn gọn, đủ ý, và giải thích rõ ràng.
Động viên, động viên động viên. Và kiên trì, kiên trì, kiền trì. Một đứa trẻ có ngôn ngữ tốt không phải chỉ cần thuộc 1,2 bài thơ, hay mẹ chỉ thỉnh thoảng đố trẻ 1 vài câu quan sát. Không nên để trẻ có cảm giác mẹ đang kiểm tra, hay đang cố dạy trẻ điều gì đó. Mà hãy đưa những hoạt động trên vào hoạt động thường ngày của trẻ như một thói quen đều đặn mỗi ngày giống như các trò chơi.
Bình luận