
Biết rồi - khổ lắm - nói mãi: Cha mẹ chạy theo nhắc con mỗi ngày
CÁC BẠN NHẮC CON NHỮNG GÌ?
Khi phân loại lời nhắc của các bạn, mình thấy có 3 phần cơ bản.
1. Phần liên quan đến thói quen sinh hoạt: ăn, ngủ, đi tắm, thay quần áo, dọn nhà, dọn đồ chơi,v..v
2. Phần liên quan đến học hành: Nhắc con làm bài, hoàn thành bài tập cô giao, đọc sách, học tiếng Anh
3. Phần liên quan đến thói quen xấu: Phần này rất hiếm, như tật cắn móng tay, tật ngồi gù lưng, ăn uống nhồm nhoàm, ngoáy mũi, v.v.
HÃY NHỚ LẠI CHÍNH BẠN:
Ngày xưa bạn có bị cha mẹ nhắc không? Mình không biết các bạn thế nào, chứ mình dù học rất khá, rất tự giác, chăm làm, nhưng mình luôn bị cha mẹ nhắc nhở, phải nói là suốt ngày! Thấy mặt của mình là mẹ mình nhắc, không thứ này thì thứ kia. Mình có cảm tưởng hồi ấy, mẹ mình không bao giờ hài lòng với mình. Nấu ăn, dọn dẹp, làm việc nhà, mình có tính hay mơ mộng, ngồi vo gạo cũng suy nghĩ mải miết vì điều gì đó, và bị nhắc. Luộc rau, mình thấy nước chưa sôi, mẹ mình bảo sôi rồi, sao không bỏ vào đi, và bị nhắc. Rồi ăn nhanh lên, rồi sao không tắm đi - không biết bẩn là gì à, rồi không biết lạnh là gì à, sao không mặc áo vào.
Nếu nói về tâm lý, và những gì diễn ra trong đầu mình với tư cách của một đứa trẻ, mình cảm thấy là mình không bao giờ được yên thân, lúc nào cũng bị giám sát, nhất cử nhất động đều bị theo dõi, thực sự rất mệt mỏi. Điều đáng nói là những lời nhắc của cha mẹ mình để sửa chữa thói hư tật xấu của mình thời đó không có giá trị gì lắm. Những thói hư tật xấu của mình vẫn còn đó, và nói thật là tới giờ vẫn còn: Làm đâu vứt đó, mơ màng, không để ý tới mọi thứ xung quanh, không ý tứ, hay làm rơi vỡ, làm việc nhà kiểu nháo nhào,v.v.
Vậy cái gì còn đọng lại trong mình? Đó là những nguyên tắc sinh hoạt chung chung thôi, kiểu như ăn xong thì rửa chén luôn cho nó sạch sẽ, học hành đọc sách như 1 thói quen, thích lao động, tiêu xài trong khả năng, làm và tiết kiệm cho tương lai, sống đối xử tử tế với người khác, v.v. Những gì thuộc về giá trị đạo đức và lối sống của gia đình, mình giữ và sống theo như những gì mẹ mình sống, chứ mẹ mình không hề dạy là phải sống thế này thế kia. Mẹ mình chỉ chăm chăm dạy những cái lặt vặt, và nhắc suốt ngày, và rất tiếc với mình không có hiệu quả.
VÌ SAO BẠN NHẮC CON RẤT NHIỀU LẦN VÀ CON VẪN KHÔNG THAY ĐỔI?
Phần này mình có phân tích trong sách Bình tĩnh rèn con, và xin nhắc lại và bổ sung sơ sơ thêm ở đây:
# Vì có bạn nhắc nhiều lần, nên con bạn nhờn, coi lời nhắc của bạn không có giá trị. Nếu lời nói của bạn thực sự có giá trị, bạn nhắc một cái là con bạn phải lo làm ngay. Nhưng đây bạn nhắc đến lần thứ n, con vẫn chưa làm ngay, mà vẫn ngồi đó, ỳ ra, xem tivi, chơi không tắm chẳng hạn, thì lời yêu cầu của bạn không có giá trị. Còn nếu có một lỗi mà con mãi không sửa, hôm sau vẫn tái phạm dù bạn nhắc nhiều lần, thì bạn phải xem nó thuộc về thói quen khó sửa chữa, hay đơn giản là quên, chưa hình thành được?
# Bạn quá tham lam, cái gì cũng muốn con làm ngay một lúc. Mỗi một lứa tuổi đều có những vấn đề khác nhau, lứa tuổi nhỏ không rèn, nên khi con bạn lớn bạn mới thấy vấn đề, nhưng cùng lúc đó lại phát sinh thêm nhiều vấn đề khác của lứa tuổi lớn, nên bạn cảm thấy nhiều quá, sao mà con mình mắc nhiều lỗi quá, có mấy việc đó mà làm không xong, nhắc mãi không sửa chữa. Bạn quên mất thói quen con đã hình thành từ nhỏ, vậy thì phải cần thời gian để sửa chữa, để rèn thói quen mới. Nhưng bạn không chấp nhận điều đó! Con bạn đã hình thành thói quen không tập trung trong 3 năm trời ( từ 3 tới 6 tuổi chẳng hạn), tới năm 7 tuổi con vào trường học tiểu học, con không ngồi hoàn thành nổi 1 bài trong 20 phút, nhưng bạn muốn con tiến bộ trong 3 hoặc 3 tháng, mà quên mất cái thói quen nhởn nhơ vui chơi đã hình thành trong 3 năm kia rồi. Do đó, khi bạn nhắc, bạn cảm tưởng con mãi không tiến bộ, nhưng thực chất bạn muốn sửa nhiều vấn đề cùng 1 lúc và không cho con thời gian để tiến bộ, và cứ vậy nhắc mãi.
# Bạn sợ hãi quá nhiều thứ! Bạn sợ con bạn không tắm thì bị ốm, bị bẩn, bạn sợ con bạn không ăn thì bị đói, bị ốm, bạn sợ con bạn không làm bài kịp thì bị thầy cô la mắng. Có quá nhiều nỗi sợ trong bạn, khiến bạn cứ phải nhắc con, nóng ruột khi con không làm theo như lời bạn nhắc. Vậy khi nào con bạn mới học được một bài học là phải tự chịu trách nhiệm? Khi nào con bạn mới học được là không ăn thì bị đói? Khi nào con bạn mới học được không học, không làm bài thì bị điểm thấp? Khi nào? Thà như con bạn học được bài học khi còn nhỏ, còn tốt hơn nhiều khi con bạn phải trả giá khi bước vào đời. Mình biết rất nhiều trường hợp các em được cha mẹ nhắc nhở từng li từng tí, khi đi học đại học hay kể cả khi đi ra làm, cũng chờ người khác cầm tay chỉ việc, không tự nhìn thấy việc cần làm, cũng như không thực sự tự giác.
# Bạn nhắc con vì bạn bị mọi người xung quanh nhắc nhiều quá. Dần dần nó thành thói quen và phản xạ trong đầu bạn một cách tự nhiên. Thấy con chưa làm việc gì đó, thì ngay lập tức nhắc " Con đi làm cái này đi,.." " Sao giờ này con chưa làm cái này,..". Có khi, bạn còn không ý thức được đó là nhắc, nhất là đối với chồng của bạn hoặc với bạn bè của bạn. Còn đối với con, bạn cảm thấy có quyền hơn, nên bạn ra lệnh và nhắc nhở con - như là một người mẹ quan tâm chăm lo cho con, rèn con từng tí một, mà thực chất chả tốt như bạn tưởng. Khi con bạn lên tuổi teen, con bạn rất rất khó chịu vì những lời nhắc của bạn, vì con bạn cảm tưởng mình bị giám sát, mình không có tự do, còn bạn tưởng bạn đang yêu thương và quan tâm kèm cặp con.
GIẢI PHÁP LÀ GÌ?
Theo mình, mình nghĩ quan trọng nhất là giải pháp về mặt tâm lý, giải quyết được tâm lý thì sẽ tìm thấy giải pháp.
Còn bây giờ các cha mẹ hãy chia sẻ về những trăn trở mà các bạn đang gặp với con em mình, có giống vấn đề mình vừa nêu ra không? các cha mẹ đã làm gì để xử lý những vấn đề đó? Chúng ta hãy chia sẻ với nhau
Nguồn: ThuỷTulip
Bình luận